Quốc hội lo lắng tái cơ cấu nền kinh tế còn ngổn ngang

author 06:39 03/11/2014

(VietQ.vn) - Báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát tái cơ cấu trong ba lĩnh vưc trọng tâm sáng 1/11 về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Báo cáo Quốc hội về kết quả giám sát tái cơ cấu trong ba lĩnh vưc trọng tâm sáng 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã nêu nhiều vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Tư nhân chưa được tham gia đầu tư

Đối với lĩnh vực đầu tư công, hệ thống chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào khu vực công có sinh lời chưa đủ mạnh để thu hút nguồn vốn đầy tiềm năng này, trong nhiều năm qua, tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân trong GDP chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn còn tập trung vào một số ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân sẵn sàng tham gia đầu tư. “Đầu tư vào các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, nội dung báo cáo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, dự án thấp vẫn chưa được xử lý triệt để. Chưa thực sự chú trọng đến việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý giữa các vùng, ngành, lĩnh vực để tạo sự lan tỏa, làm động lực cho nền kinh tế. Đặc biệt, trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 có 807/873 dự án giao thông, thủy lợi, y tế đang đầu tư dở dang.

Chưa xử lý được các DNNN chần chừ tái cơ cấu

Là một trong 3 trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng theo kết quả của đoàn giám sát Ủy ban thường vụ, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện diễn ra chậm, nên kết quả đạt được còn hạn chế.

 

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chậm và chưa mang tính đột phá

Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chậm và chưa mang tính đột phá. Ảnh minh họa

Mặc dù ghi nhận sự chuyển biến của lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, song báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ, tiến độ thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực hiện có và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp và xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.

Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa phân tích, xác định được cụ thể điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng doanh nghiệp qua đó có giải pháp tái cơ cấu, phát triển doanh nghiệp mà chủ yếu theo hình thức chuyển giao, sắp xếp, tổ chức lại trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước. Chưa xem xét, xử lý một số doanh nghiệp chần chừ trong quá trình triển khai tái cơ cấu để làm gương và tạo áp lực buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

Tổng số tiền thu về còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm. Theo báo cáo, có gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cần thoái vốn những trong thời gian qua lĩnh vực này mới chỉ thoái được gần 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2013 đã thực hiện thoái vốn 965 tỷ đồng (trong đó có lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư); trong 7 tháng của năm 2014 đã thoái vốn được 2.975 tỷ đồng.

Xử lý nợ xấu thực chất vẫn lấy tiền ngân sách

Một trong những hạn chế lớn nhất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua, theo báo cáo là vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo. Đến nay, vấn đề này vẫn thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.

Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của Công ty quản lý tài sản VAMC còn gặp một số vướng mắc. Mặc dù không sử dụng tiền ngân sách để mua nợ xấu nhưng những trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước; cùng với những bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu này.

“Cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng; thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân VAMC không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức "mua đứt bán đoạn”, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ. 

Thu Hoài 

 (tổng hợp từ Vietnam+, Vneconomy, Dân Việt)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang